Lăng vua Thiệu Trị Huế

Lăng vua Thiệu Trị Huế

Di tích lăng vua Thiệu Trị Huế ẩn mình giữa chốn núi đồi rộng lớn thuộc địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km.

Lăng Thiệu Trị còn được biết đến với cái tên khác là Xương Lăng, là nơi an nghỉ của vua Thiệu Trị – vị vua thứ 3 triều đại nhà Nguyễn, con trai trưởng của vua Minh Mạng. Vua Thiệu Trị lên ngôi được 7 năm thì lâm trọng bệnh, băng hà vào ngày 4/11/1847. Do chưa kịp xây lăng, thi hài của vua Thiệu Trị được quàn tại điện Long An cung Bảo Định 8 tháng.

Trước khi băng hà, vua Thiệu Trị đã kịp dặn dò con trai (vua Tự Đức) về việc xây lăng của mình, do đó lăng vua Thiệu Trị có lối kiến trúc khá khác lạ so với lăng các vua tiền nhiệm, cũng là lăng duy nhất hướng mặt về phía Tây Bắc – hướng lăng này không phổ biến trong các công trình kiến trúc lăng tẩm, hay kiến trúc cung điện thời nhà Nguyễn.

Sau khi vua Thiệu Trị băng hà, vào tháng 2/1848, vua Tự Đức bắt đầu khởi công xây dựng lăng mộ cho vua cha, tháng 3/1848, công trình xây xong Toại đạo, đường hầm để đưa quan tài nhà vua vào huyệt mộ. Sau đó đến tháng 11/1848, dựng xong tấm bia với bài bi ký dài hơn 2.500 chữ do vua Tự Đức viết “Thánh đức thần công”.

Các công trình kiến trúc chính của lăng hoàn thành vào tháng 5/1848. Vua Tự Đức đã đích thân đến công trình kiểm tra lần cuối vào tháng 6/1848, sau đó đưa thi hài vua Thiệu Trị vào trong lăng an táng vào khoảng 10 ngày sau.

Cấu trúc lăng vua Thiệu Trị Huế bao gồm 2 khu vực chính: trục lăng ở phía bên phải, trục tẩm ở phía bên trái.

  • Lăng: khu vực chính lăng tọa lạc ở nơi có địa thế đẹp, phía trước là hồ Nhuận Trạch, thông với hồ Điện ở khu vực Tẩm qua hệ thống cống ngầm. Phía sau hồ Nhuận Trạch là bức bình phong và Nghi Môn bằng đồng đúc theo kiểu “long vân đồng trụ” dẫn vào sân Bái Đình, dẫn tiếp đến Bi Đình và lầu Đức Hinh.
  • Tẩm: khu điện thờ này cách lầu Đức Hinh 100m về phía trái, được xây dựng theo cách riêng. Để đến điện Biểu Đức (nơi thờ bài vị của vua và bà Từ Dũ), bạn sẽ đi qua Nghi môn bằng đá cẩm thạch, và qua Hồng Trạch môn.

Lăng Thiệu Trị Huế không xây la thành như các lăng vua ở Huế khác, thay vào đó là sử dụng các ngọn núi tự nhiên, gò đất nhân tạo ở khu vực xung quanh lăng để làm bình phong, hậu chẩm. Cũng có thể nói lăng Thiệu Trị có la thành bao quanh là những cánh đồng lúa, những vườn cây xanh rờn cho không gian đậm chất thôn quê, thanh thoát và yên bình.

Lăng vua Thiệu Trị quay mặt về hướng Tây Bắc, chọn hướng chưa từng được dùng trong các công trình kiến trúc nổi bật ở Huế thời bấy giờ, nhưng xét về phong thủy thì ở vào vị thế “sơn chỉ thủy giao”.

Thêm vào đó, đồi Vọng Cảnh tọa lạc ở vị trí cách lăng khoảng 1km, cùng núi Ngọc Trản ở phía bên trái chầu về trước lăng tạo cho lăng vị thế “tả long hữu hổ”. “Tiền án” cho khu vực lăng là ngọn núi Chằm cách đó khoảng 8km, và động Bàu Hồ có vị trí gần hơn làm bình phong thiên nhiên cho khu vực tẩm.

Bao quanh lăng vua Thiệu Trị Huế là khung cảnh thanh bình của đồng quê, cây cối xanh tươi, ruộng đồng xanh ngát trải dài, cùng với đó là hệ thống lăng của mẹ, vợ, các ông hoàng, bà chúa, con vua Thiệu Trị quây quần, đoàn tụ bên nhau.

Chếch về phía trước lăng vua Thiệu Trị Huế là lăng Hiếu Đông (của mẹ vua – bà Hồ Thị Hoa), phía sau bên trái là Xương Thọ Lăng (của vợ vua – bà Từ Dũ), còn phía trước là khu mộ “tảo thương”, nơi an nghỉ của các ông hoàng, bà chúa nhỏ bé, con vua Thiệu Trị.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *