Gia Hội, nét cổ kính giữa lòng thành phố cố đô

Gia Hội, nét cổ kính giữa lòng thành phố cố đô

Khách du lịch đến Huế thường nói Huế “buồn”, nhưng nét “buồn” của Huế không phải là nỗi buồn lo, muộn phiền với bao lo toan cuộc sống, mà là nét buồn của sự an yên và thanh bình, của nếp sống bình đạm, ít xô bồ của những mái nhà xưa mang cái hồn trầm lặng vẫn được giữ gìn qua năm tháng.

Nếu như những đền đài, cung điện, lăng tẩm nguy nga ở Huế tượng trưng cho một thời vàng son của vương triều phong kiến, thì những kiến trúc dân gian, những ngôi chùa, từng hàng phố cổ chính là dấu ấn đại diện cho đời sống của người dân Huế theo dòng chảy thời đại.

Tiêu biểu nhất phải kể đến khu vực phố cổ Chi Lăng – Gia Hội và phố cổ Bao Vinh, nằm phía Đông ngoài kinh thành Huế là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế xưa, là nơi còn lưu giữ nhiều “hồn xưa nét Huế” đậm chất riêng của Huế.

Hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi với nhiều nét độc đáo theo lối Hoa – Ấn – Việt, những đình chùa, hội quán, phủ đệ cổ kính đáng được bảo tồn và giới thiệu cho những con người yêu du lịch văn hóa.

Phố cổ Chi Lăng – Gia Hội

Gia Hội là vùng dân cư cổ của Kinh thành Huế với hàng trăm di tích và công trình kiến trúc tuyệt đẹp, khu phố cổ này bao gồm những con phố Chi Lăng, Bạch Đằng, Nguyễn Du, Tô Hiến Thành, … Mình thích không khí bình yên khi đạp xe dạo quanh những con đường nhỏ, ngắm nhìn những mái ngói rêu phong, những mảng tường cũ sẫm màu hay những căn nhà gỗ nhỏ nép mình bên đường.

Khu phố cổ này được hình thành từ những ngày chúa Nguyễn di dời thủ phủ xứ Đàng Trong và phát triển nhanh chóng, trở thành một phố thị đông đúc khi nhà Nguyễn thành lập, cũng là nơi biểu hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Huế xưa.

Đầu tiên phải kể đến chùa Diệu Đế ở đường Bạch Đằng, mảnh đất mà ngôi chùa được xây dựng lên chính là nơi ra đời của Vua Thiệu Trị và cũng là nơi ở của vua trước khi lên ngôi.

Diệu Đế là ngôi quốc tự thứ ba ở Huế, ngày nay người dân Huế thường đến chùa để cầu mong sức khỏe và vận mệnh mỗi dịp lễ tết.

Nơi tiếp theo mà mình muốn giới thiệu đến chính là “khu phố tàu” trên con đường này, là nơi tập trung sinh sống của cộng đồng người Hoa tại Huế. Các công trình kiến trúc người Hoa trên con đường này vẫn còn nguyên vẹn như lần đầu xây mới, từ đền Chiêu Ứng, Chùa Bà, Chùa Quảng Đông đến Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến.

Dưới khu phố Tàu là khu chợ Dinh, so với chợ Đông Ba thì chợ Dinh ngày nay nhỏ bé hơn rất nhiều, một lí do khác mà nơi đây mang tên phố chợ Dinh là do có rất nhiều phủ đệ của các ông hoàng bà chúa và các quan đại thần được xây dựng. Hiện nay vẫn còn một số phủ đệ còn được lưu giữ như Phủ Thọ Xuân, Phủ Thoại Thoái Vương, Phủ Hòa Thạnh Vương, Phủ Quảng Biên Quận Công.

Bên cạnh đó, trên con đường Chi Lăng còn có nhiều công trình kiến trúc tâm linh như Thanh Bình Từ Đường – nhà thờ tổ ngành sân khấu lớn nhất cả nước, hay như chùa cổ Trường Xuân, nhà thờ Trần Hưng Đạo.

Nơi đây cũng còn bảo tồn khá nhiều ngôi nhà cổ, mang trong mình hàng trăm năm lịch sử biến động, đậm dấu ấn thời gian trên từng nếp nhà. Phát triển theo chiều dài lịch sử, vì thế những con phố nơi đây vừa có nét đẹp cổ kính của kiến trúc nhà vườn ba gian hai chái vừa có những kiến trúc đặc trưng thời kỳ Pháp thuộc. Một số ngôi nhà chỉ còn là tàn tích, một số vẫn còn giữ trọn vẹn từng chi tiết nhỏ.

Dù vậy, những ngôi nhà cổ đang dần biến mất theo quá trình đô thị hóa, nếu có dịp đến Huế, các bạn hãy tranh thủ ghé qua những con đường nơi đây trước khi sự hiện đại hoàn toàn bao phủ và xóa đi vẻ đẹp nơi này.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *